💗Ruth Bell Graham: MỘT ĐỜI SỐNG TRỌN LÀNH💐
Phần lớn chúng ta ít nhiều đều biết về nhà truyền giáo Billy Graham. Qua mục vụ của ông, hàng triệu người từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đã được nghe về Tin Lành và tìm thấy sự sống đời đời. Tuy nhiên, có lẽ không có nhiều người biết về người vợ tuyệt vời của Billy Graham, người đã hỗ trợ, nâng đỡ và cầu thay cho ông một cách âm thầm và lặng lẽ, để ông có thể chuyên tâm phục vụ Nước Trời suốt bao năm nay.
Hôm nay, Tin Lành Trẻ xin được chia sẻ bài viết nói về bà Ruth Bell Graham như là một lời chứng sống động về một đời sống tin kính Chúa, đầy lòng yêu thương và hết lòng phục vụ.
Bất kỳ ai biết Ruth Bell Graham đều nhận ra rằng bà là người yêu Chúa và yêu mọi người. Qua những gì bà đã viết, đã nói, và những hành động đơn giản nhưng đầy lòng nhân từ – giúp người lân cận, cho bạn bè và bất kỳ ai cần đi nhờ xe – bà đã bày tỏ ân điển và sự thương xót của Chúa Cứu Thế mà bà gặp gỡ khi còn là một cô bé ở Trung quốc.
Nội dung:
– Ngôi nhà ở Trung Quốc
– Xa nhà
– Ấn tượng đầu tiên
– Thích nghi
– Nhu cầu nhiều hơn
– Truyền giáo tại nhà
– Đến lượt mình (It’s my turn – tên cuốn hồi ký của Ruth)
– Những năm tháng tuyệt vời
🏡NGÔI NHÀ Ở TRUNG QUỐC
Đối với Ruth, có được người cha người mẹ là những Cơ Đốc nhân hạnh phúc chính là một di sản quý báu mà cô nhận được. Cha mẹ cô, bác sỹ Nelson và Virginia Bell, là những giáo sỹ làm công tác y tế tại bệnh viện Tình Thương ở Tsingkiangpu, Trung Quốc, từ năm 1916 cho đến khi Thế Chiến II bắt đầu.
Đây quả là những năm tháng khó khăn. Trung quốc thời bấy giờ đầy bất ổn. Người nước ngoài thì bị gọi là “những con quỷ ngoại”. Bất chấp hoàn cảnh, tiếng cười và những khúc ca vẫn luôn vang lên trong gia đình nhà Bell và bệnh viện nơi họ làm việc. Ruth là con thứ hai, sinh ngày 10 tháng 6, 1920. Cô và các chị em đã học được những điều cơ bản về đức tin Cơ đốc từ tấm gương cầu nguyện và học Kinh thánh hằng ngày của cha mẹ, cùng với lời cầu nguyện chung của cả gia đình trước bữa ăn sáng. Ruth không thể nhớ nổi có buổi sáng nào thức dậy mà không thấy cha của cô đang đọc Kinh thánh hoặc quỳ gối cầu nguyện.
Các con nhà Bell rất hay được nghe những câu chuyện về những người tử vì đạo, cũng như sự hy sinh của các giáo sỹ và các tín đồ Trung quốc. Những lời chứng ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến Ruth. Một lần nọ, cô chị Rô-sa hay được nghe em gái của mình cầu xin Chúa cho mình được tử vì đạo trước cuối năm đó. Rô-sa thì thực tế hơn, sau khi nghe lời cầu nguyện “đáng sợ” của cô em liền tiếp lời: “Chúa ơi, xin Ngài đừng để ý đến nó!”
Dẫu có xu hướng đa cảm, cô bé Ruth lại được biết đến nhiều nhất là một người có tấm lòng nhân hậu. Cô rất yêu động vật, thậm chí có lần còn mang cả gà và vịt đi ngủ cùng. Con vật nào chết cũng được cô làm tang lễ. Sự nhân hậu thời thơ ấu đối với những người yếu đuối phản ánh phần nào cách đối xử của cô về sau với những người hư mất và yếu đuối xung quanh.
🛤XA NHÀ
Năm 13 tuổi, bố mẹ gửi cô đến trường quốc tế Pyeng Yang (hiện là Pyongyang, Bắc Triều Tiên). Suốt nhiều tuần, đêm nào cô cũng thổn thức vì nhớ nhà. Trong một trận ốm ngắn, cô đã đọc toàn bộ 150 chương Thi Thiên. Đó là sự khởi đầu của cái mà sau này cô gọi là “trại huấn luyện”. Chúa đã sử dụng thời gian này để dạy cô về việc tìm sự nương náu nơi sự hiện diện của Ngài, khi mà tưởng chừng như sẽ phải xa cách những người thân yêu mãi mãi.
Tình hình chiến sự ngày càng trở nên phức tạp, bác sỹ Bell thu xếp cho các con về Mỹ, và vào ngày 22/10/1937 Ruth nói lời tạm biệt gia đình và rời Trung quốc. Dù gia đình cô vẫn tiếp tục ở lại Trung quốc đến năm 1941, nhưng hàng chục năm sau Ruth mới có dịp trở lại nơi mình đã sinh ra.
Ruth đến Wheaton (Hoa Kỳ) an toàn, bắt đầu đến học trường Kinh thánh và nghệ thuật. Dù có vài khó khăn ban đầu, Ruth nhanh chóng thích nghi, có nhiều bạn bè và được rất nhiều chàng trai biết đến. Cô chưa gắn bó với ai, cho đến năm thứ hai, khi một chàng sinh viên mới tên là Billy Graham bước ngang qua trên cầu thang của giảng đường.
“Chắc là anh ta đang vội” – cô chợt nghĩ. Cô đã nghe về chàng tân sinh viên này cũng như sự giảng đạo nóng cháy của anh. Sáng chủ nhật tuần ấy, cô nghe anh cầu nguyện vào giờ cầu nguyện. “Đây là người biết Đấng mà anh ta đang nói với” – cô nghĩ.
Billy cũng đã nghe về Ruth. Một người bạn mô tả rằng cô là người con gái dễ thương và thuộc linh nhất ký túc xá. Và rồi, khi Billy nhìn thấy cô thì đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng với nàng Ruth giàu tình cảm, chắc chắn đây không phải lần đầu cô nghĩ đến nửa kia mà Chúa sẽ cho mình. Nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn rất thích bài thơ, cũng là lời cầu nguyện của Ruth về “người ấy” của mình.
“Kính lạy Chúa, con cúi đầu khẩn nguyện
(Dù biết rằng bao thiếu nữ dám đâu)
Con không xin trang tuấn kiệt mày râu
Xin chàng được giống Ngài càng rõ nét
Con không xin một chàng trai cao đẹp
Cũng không xin người tài trí hào hoa
Quyết không xin người giàu có cao xa
Chỉ xin cho đầu chàng luôn ngước thẳng
Xin Chúa cho mắt chàng luôn trong sáng
Đôi vai chàng thẳng đứng với phong ba
Gương mặt chàng tỏa nét kính sợ Cha
Nhắm mục đích của Ngài mà bước tới
Chàng đã đến như là chàng phải đến
Ánh mắt nhìn, im lặng buổi sơ giao
Nhưng lòng con đã biết tự thủa nào
Chính chàng ấy là người con khẩn nguyện …”
(Bản dịch thơ của Thiên Hà)
Sau khi âm thầm theo dõi nàng trong vài tuần, Billy lấy can đảm và mời cô đi dự buổi hòa nhạc tác phẩm Messiah của Handel. Ruth nhận lời, rồi về phòng của mình và cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu Ngài cho con phục vụ Ngài cùng với người đàn ông này, con sẽ coi đó là vinh hạnh lớn nhất của đời con.”
Billy và Ruth tiếp tục hẹn hò và bắt đầu nói chuyện về hôn nhân, nhưng có một vấn đề khó xử. Đã nhiều năm, Ruth nghĩ rằng Chúa kêu gọi cô làm giáo sỹ ở Ti-bét. Dù không chống việc trở thành giáo sỹ, Billy lại cảm nhận sự kêu gọi mạnh mẽ để trở thành người truyền đạo. Ruth cố gắng thuyết phục Billy nhưng chỉ làm tình hình thêm căng thẳng. Cuối cùng, họ dành một khoảng thời gian để cầu nguyện riêng về vấn đề này.
Ruth kể trong cuốn sách “It’s my turn” của mình, rõ ràng cô, không phải Chúa, là người đang cố gắng gọi Bill đến Ti-bét. Cuối cùng Bill đã quay sang và hỏi:
– Em có tin là Chúa đã mang chúng ta đến với nhau không?
– Có!
– Thế thì – Bill nói tiếp – Chúa sẽ dẫn anh còn em thì đi theo nhé!
Mặc dù Ruth rất tin vào câu nói của người xưa: “Khi hai người mà chuyện gì cũng đồng ý, thì một trong hai người trở nên vô dụng”, cuộc nói chuyện quan trọng này đã giải quyết vấn đề. Mùa hè sau đó, khi đang giảng tại một Hội thánh ở Florida, Bill đã nhận được một lá thư rất dày từ Ruth. “Em sẽ lấy anh” là câu đầu tiên trong thư. Bill đã giảng ngất ngây vào buổi tối hôm đó, dù sau đó ông cũng chẳng biết mình đã giảng về điều gì nữa. Vị mục sư hôm đó nói ông cũng không chắc có người nghe nào hiểu Bill đang giảng về điều gì không. Cuối cùng, Billy và Ruth cưới nhau ngày 13/8/1943.
Ruth và Billy làm đám cưới năm 1943
Ruth và Billy làm đám cưới năm 1943
Về sau, Ruth đã không hối tiếc về việc đã từ bỏ Ti-bét để cưới Billy Graham. Có tiếp tục cô cũng không thể ở Ti-bét hơn 4 năm nữa, vì tình hình chính trị thay đổi cũng sẽ buộc cô phải ra đi. Về sau Ruth Graham đã viết về thời gian ấy: “Tôi có thể đã bỏ lỡ cơ hội hầu việc Chúa cả đời cùng với người đàn ông tuyệt vời nhất mà tôi biết, rồi có 5 đứa con, và 15 đứa cháu thú vị, đáng yêu, dễ thương nhất. Tất cả những điều đó, cộng với một cuộc sống mới lạ!” Chúa đã sử dụng ước ao đi Ti-bét để thử lòng vâng lời của cô với Ngài.
🌱THÍCH NGHI
Năm 1943, Billy nhận lời làm mục sư của một Hội thánh Báp-tít. Anh không hỏi vợ sắp cưới xem cô nghĩ gì về ý tưởng này, nhưng Ruth cũng không để điều đó ngăn cản cô nói với anh rằng việc chăn bầy một Hội thánh sẽ làm chệch hướng kêu gọi thành nhà truyền đạo. Đó là bài học mà Billy đã ghi nhớ. Nhiều năm sau, vào thời gian chịu áp lực ra tranh cử, Billy đã nghe theo lời khuyên của cô: “Khi Chúa gọi anh thành người truyền đạo, anh đừng tự hạ thấp mình để làm một tổng thống.”
Billy thì không quen với những ý kiến từ những người phụ nữ ý chí và cũng rất hiểu biết của nhà Bell. “Bill được lớn lên trong một gia đình mà phụ nữ không bao giờ được đặt câu hỏi với đàn ông” – Ruth nhớ lại – “trong khi ở gia đình tôi, thì đó lại là tất cả những gì chúng tôi làm.”
Anne, người con gái thứ hai của họ, đã nói: “Bố tôi không cần phải xin lời khuyên của mẹ thì mới nhận được. Tôi nhớ có lần mẹ bảo bố đã rất bực mẹ vì bố không muốn nghe ý kiến của mẹ. Bố không thích những người đàn bà có chính kiến, thế mà trong nhà thì lại toàn những người phụ nữ như thế. Để một người đàn ông vốn quen sống độc lập biết lưu tâm và tư vấn người cộng tác của mình cần phải mất một thời gian. Sau những chuyện như thế, tôi nghĩ bố đã học được nhiều trong việc trở thành một người chồng… Ngày nay bố không chỉ hỏi xem mẹ nghĩ gì, mà còn tôn trọng và lắng nghe nữa.”
🌻NHU CẦU NHIỀU HƠN
Mục vụ của Billy ngày càng mở rộng, và vào tháng giêng năm 1945, anh phải thôi chức vụ mục sư để trở thành người truyền đạo trọn thời gian đầu tiên cho mục vụ Thanh niên cho Đấng Christ. Đó mới là khởi đầu của những quãng thời gian xa cách khó khăn cho cả hai vợ chồng. Trong những năm đầu ấy, khi con cái chưa ra đời, Ruth thường đi cùng Billy khi ngân sách cho phép. Cô thường tư vấn và cầu nguyện cho những người vừa mới quyết định tin nhận Chúa. Cô đặc biệt nhạy cảm với những người đang vật lộn trong cuộc sống và viết thư trả lời cho họ suốt hàng năm trời. Nhưng bắt đầu có con cái, các chiến dịch truyền giảng càng ngày càng dài hơn, càng lớn hơn. Ruth nghe theo lời khuyên của một người phụ nữ, cũng là vợ của một người truyền đạo. Cô quyết định gánh lấy trách nhiệm chăm sóc nhà cửa và con cái, để Billy có thể tự do ra đi và truyền giảng ở bất cứ nơi nào Chúa kêu gọi.
Không chút phàn nàn về việc phải ở phía sau, Ruth cố gắng để ngôi nhà của họ thực sự trở thành một tổ ấm cho Billy mỗi khi ông ở nhà. Ruth Bell Graham lo toan từ việc mua đất, thiết kế rồi xây sửa nhà cửa, cho tới việc nuôi dạy năm đứa con không phải lúc nào cũng ngoan như thiên thần giống như nhiều người tưởng, trong khi bố chúng lại hay xa nhà hàng tháng trời. Khi có người hỏi cô đã làm được điều đó bằng cách nào, cô trả lời: “Bằng cách quỳ gối thôi!” Chắc những ai từng làm mẹ đều có thể thấu hiểu câu chuyện của cô về một buổi sáng nọ.
Hôm ấy, sau một đêm bận rộn, tôi đã ngủ quên. Không kịp chải đầu hay trang điểm, tôi thay vội cái áo, kéo Franklin ra khỏi giường mà chẳng thèm thay đồ cho nó, đặt nó ngồi trên ghế, rồi vội vàng lo đồ ăn sáng để các con không bị đến trường muộn.
Sáng hôm đó, cứ hễ khi Gigi mở miệng ra là Bunny lại ngắt lời. Cuối cùng, trong sự tuyệt vọng, Gigi đập mạnh cái dĩa xuống rồi hét lên:
“Mẹ! Chỉ nghe Bunny, ngửi mùi của Franklin, nhìn vào mẹ là con hết đói rồi!”
Các con nhà Graham lớn lên mà hầu như không biết về sự cô đơn và khó khăn của mẹ để chăm lo nhà cửa khi chồng xa nhà.
Trong cuốn sách của mình, người con trai hiện đang tiếp tục lãnh đạo mục vụ kế tục từ cha, Franklin Graham, đã viết: “Hình như mẹ chẳng bao giờ kêu ca về chuyện bố phải đi xa. Chúng tôi biết là bố đi giảng đạo, nhưng chúng tôi tưởng bố của đứa trẻ nào cũng đi xa như vậy. Mẹ rất tích cực và hay trích câu của một ông cụ nói thế này: “Chuyện đã qua hãy coi là chuyện nhỏ, để chu toàn cho điều sắp đến.”
Ruth trang điểm cho cuộc sống bằng khả năng quan sát và óc hài hước. Có lần cô nói: “Tôi chưa bao giờ tính đến chuyện ly dị. Giết người thì có rồi nhưng ly dị thì chưa bao giờ.”
Khi Billy về nhà, Ruth cố gắng giữ mọi thứ bình yên và thoải mái. Cô linh hoạt trong những điều mình làm và dành thời gian giúp chồng tìm những minh họa cho bài giảng, viết sách hoặc viết bài cho chương trình phát thanh “Giờ quyết định.”
Sự hỗ trợ sắt đá của Ruth đối với mục vụ của Billy cùng với khả năng quản lý gia đình của Ruth đều được cả nhóm làm việc với Billy tôn trọng. Người trợ tá lâu năm của Billy nói: “Có lẽ sẽ không có Billy Graham như chúng ta biết ngày nay nếu không có Ruth.”
Nhưng không ai tôn trọng Ruth hơn là Billy.
“Mỗi khi về nhà là tôi thấy cả sự ngất ngây lẫn nỗi thống khổ của việc làm cha mẹ. Nếu Ruth không xác quyết rằng Chúa đã gọi mình để hoàn thành khía cạnh này trong sự cộng tác, và không liên tục tìm đến Lời Chúa để được hướng dẫn, đến với ân điển Chúa để thêm sức mạnh, tôi không nghĩ có cách nào để cô ấy sống sót được.”
Ruth Graham tận tâm chăm sóc con cái để Billy chuyên tâm hầu việc Chúa
Ruth Graham tận tâm chăm sóc con cái để Billy chuyên tâm hầu việc Chúa
Truyền giáo tại nhà
Ruth cũng tìm kiếm những cơ hội để phục vụ tại chính nơi mình ở.
Dorothy Thielman, vợ của mục sư Hội thánh nơi mà nhà Graham tham dự, có nói: “Hễ thấy ai có nhu cầu hoặc bị tổn thương đặc biệt là cô ấy đến với người ấy ngay.”
Tong Sing, người gốc Cam-phu-chia, chủ nhà hàng mà Ruth ưa thích, cũng kể về lòng tốt của Ruth. Khi họ chân ướt chân ráo đến Mỹ cách đây 28 năm, họ đã được Hội thánh nơi nhà Grahams tham dự bảo trợ. Tong đã khóc khi phát hiện ra số tiền mà Ruth đã đóng góp để mua nhà cho họ. “Bà ấy giống như mẹ của tôi vậy”, người vợ nói thêm.
“Mẹ tôi có tấm lòng của một người truyền đạo” – cô con gái Anne đã nói vậy trong một lần phỏng vấn – “Mặc dù ơn của mẹ thường không nổi bật so với ơn của bố, nhưng ơn của mẹ thể hiện rất hiệu quả khi làm chứng cá nhân. Sâu sa trong mẹ là ước muốn cho từng người biết Chúa một cách cá nhân, một cách gần gũi. Bố giảng cho đám đông, hướng tới hàng ngàn, còn mẹ thì trò chuyện với từng người, yêu từng người một.”
📖ĐẾN LƯỢT MÌNH (It’s my turn – tên cuốn hồi ký của Ruth)
Khi các con đã lớn và có gia đình riêng, Ruth được rảnh rang hơn để theo đuổi niềm đam mê viết lách của mình. Mặc dù là vợ của một trong những người truyền đạo nổi tiếng nhất thế giới, động cơ của Ruth không phải là để quảng bá bản thân. Từ hồi thơ ấu, cô bé Ruth đã hay viết để giải tỏa những cảm xúc không thể bộc lộ với người khác. Cuốn sách đầu tiên của Ruth được xuất bản là tập thơ “Sitting by My Laughing Fire” (tạm dịch: Ngồi bên đống lửa cười). Thơ của Ruth lột tả nỗi cô đơn và vật lộn của cuộc sống, nhưng tràn trề đức tin nơi Chúa.
Khi viết về gia đình và cuộc sống riêng, Ruth không ngần ngại bày tỏ những khuyết điểm của mình. Nhiều người đọc những bài viết của cô trên tạp chí Decision đã viết lời cảm ơn vì những lời khuyên rất thực tế. “Lần nào đọc những gì bà ấy viết, tôi đều cảm thấy bà đang nói trực tiếp với mình. Cảm ơn Chúa vì bà sẵn lòng để được sử dụng cho công việc Chúa” – Một nữ độc giả đã viết.
🌈NHỮNG NĂM THÁNG TUYỆT VỜI
Năm 1974, trong khi đang chăm sóc cháu ngoại, Ruth bị ngã và bị thương nặng và từ đó bà gặp khó khăn trong việc cử động. Mặc dù thân thể chậm chạp và thường đau đớn, nhưng tâm linh bà vẫn rất sống động và đầy sự khích lệ.
Trong những năm cuối, mắt của Ruth nhìn không còn được rõ, nhưng bà tiếp tục gửi thư cho bạn bè, tiếp tục viết lách với sự trợ giúp của con gái và một vài người bạn. Và giống như bà vẫn khích lệ người khác khi họ phải đối diện với những hạn chế không tránh khỏi của tuổi già, bà cũng cầu nguyện cho Billy và mục vụ của ông, cho gia đình và cho bạn bè, và cho tất cả những người mà bà đã từng biết trong nhiều năm tháng.
Vợ chồng Ruth và Billy Graham cùng với 5 người con kỷ niệm 50 năm ngày cưới của họ, năm 1993
Vợ chồng Ruth và Billy Graham cùng với 5 người con kỷ niệm 50 năm ngày cưới của họ, năm 1993
Càng vào những năm cuối, tình yêu của Billy và Ruth cho nhau càng đậm đà hơn – trong cả cách họ trêu đùa nhau cũng như trong ánh mắt họ nhìn nhau. Vào lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới, Ruth nhớ lại thời gian đầu: “Mấy năm đầu thì có một số điều phải thích nghi, nhưng bây giờ thì thích nghi tốt lắm rồi.”
Billy gọi mối quan hệ của họ là một tiểu thuyết.
“Mối quan hệ của chúng tôi ngày nay tốt hơn nhiều” – ông viết – “Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và đụng chạm vào chau. Càng già lại càng yêu hơn. Bí quyết là Chúa Jêsus Christ, và có Ngài là trung tâm của đời sống chúng ta.”
BillyGraham.org – LoiSuSong.net
Tin Lành Trẻ sửa bản dịch